Nhiều gia đình giàu có trên thế giới lựa chọn thành lập văn phòng tại Singapore để đầu tư, quản lý tài sản và lập kế hoạch thừa kế.

Điểm sáng từ văn phòng gia đình
Sau đại dịch COVID-19, giới siêu giàu nhận định Singapore là trung tâm tài chính của Châu Á, thích hợp để làm ăn và cất giữ tài sản. Những năm gần đây, quốc đảo Đông Nam Á bắt đầu thu hút nhà đầu tư thông qua mô hình văn phòng gia đình.
Theo số liệu từ chính phủ, Singapore hiện có khoảng 700 văn phòng gia đình, tăng gấp 7 lần so với năm 2017. Trong đó không ít văn phòng được các tỉ phú nước ngoài thành lập, họ lựa chọn Singapore bởi tài chính uy tín, ưu đãi thuế, môi trường và cơ sở hạ tầng tốt.
“Đại dịch COVID-19 khiến nhiều gia đình tài phiệt phải xem xét lại kế hoạch quản lý tài sản và thừa kế của họ để chuẩn bị tốt hơn trước những trường hợp xấu trong tương lai”, Carrie Ng, người đứng đầu Văn phòng tư vấn gia đình của Ngân hàng Singapore cho biết.

Văn phòng gia đình tạo điều kiện cho giới siêu giàu quản lý tài sản của họ qua 10 thế hệ. Trong những năm gần đây, loại hình văn phòng này đã dần trở nên quen thuộc đối với kinh tế Châu Á. Ngoài Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) cũng “trải thảm đỏ” phát triển văn phòng gia đình.
Tuy nhiên, Singapore vẫn chiếm vị trí trung tâm kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng văn phòng gia đình, đủ sức cạnh tranh với Hong Kong và Vương quốc Anh.
Hiện nay, quốc đảo sư tử có môi trường chính trị và pháp lý ổn định, dịch vụ tài chính phát triển, lực lượng lao động được đào tạo bài bản, mức sống cá nhân tốt.
Bên cạnh đó, Singapore còn được coi là cửa ngõ Châu Á, điều này là điểm cộng hấp dẫn đối với những người mong muốn tiếp cận với các khoản đầu tư trong khu vực. Singapore cũng đã và đang cung cấp hỗ trợ cho các văn phòng gia đình thông qua những ưu đãi thuế có mục tiêu.

Một số tỉ phú thành lập văn phòng gia đình tại Singapore bao gồm: Zhang Yong và Shu Ping – cặp vợ chồng đứng sau thành công của chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao, ông trùm sáng chế giàu nhất nước Anh James Dyson và nhiều chuyên gia kinh tế khác.
Nguồn lợi lớn đến với Singapore
Các chuyên gia kinh tế cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của văn phòng gia đình có thể mang lại lợi ích cho Singapore theo nhiều cách.
Đầu tiên, loại hình này bổ sung tài sản công, củng cố vị thế của quốc gia như một trung tâm quản lý tài chính toàn cầu, đóng góp sự sôi động của hệ sinh thái dịch vụ tài chính địa phương.
Những yếu tố ấy giúp tạo ra nhiều việc làm hơn trong các lĩnh vực liên quan như ngân hàng tư nhân, tư vấn pháp lý và thuế, lập kế hoạch bất động sản cùng các dịch vụ chuyên nghiệp khác.
Nền kinh tế Singapore cũng sẽ được hưởng lợi với các quy định về thuế khi nước này yêu cầu các văn phòng gia đình phải phân bổ ít nhất 10% hoặc 10 triệu đô la Singapore tài sản của họ cho các khoản đầu tư tại địa phương.
Ông Stephen Banfield, đối tác văn phòng gia đình tại KPMG Singapore, nhận định: “Cùng với việc tập trung nhiều hơn vào các chỉ số về môi trường, xã hội và quản trị, các văn phòng gia đình cũng có thể được coi là ‘vốn bất động’ cho một số lĩnh vực như giải quyết biến đổi khí hậu”.
Tháng 9.2022, Phó Thủ tướng Lawrence Wong cho biết Chính phủ Singapore đang xem xét các chương trình ưu đãi thuế để có thể khuyến khích các văn phòng gia đình đóng góp nhiều hơn và hỗ trợ các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận tại địa phương.
Nguồn: Thảo Phương Báo Lao Động
Leave a Reply
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.